Trang chủ > Báo Tuổi trẻ > Không thể chuộc lỗi – Kỳ cuối

Không thể chuộc lỗi – Kỳ cuối

Tháng Tư 25, 2011

“Toi rat sin loi”

Một người mẹ đang tìm cách bảo vệ con mình trong trận càn của lính Mỹ Ảnh: Vietnam Bilder eines Krieges (Đức)

TT – Tôi rời Bệnh viện tỉnh Quảng Trị vào ngày 4-7-1968. Tôi cứ mãi suy nghĩ về những con người tàn ác, những ký ức khủng khiếp và những điều tàn khốc, vô nhân đạo mà mình đã chứng kiến ở VN. Cảm giác của tôi khi trở về đời sống dân sự là: đừng có cố thuyết phục tôi chấp nhận những việc không đúng sự thật; đừng có kể cho tôi nghe thế nào là cuộc chiến tranh anh hùng.

>> Kỳ 1: Ở tâm điểm cuộc chiến
>> Kỳ 2: “Trại cải huấn” 
>> Kỳ 3: Cuộc hành quân “Ánh cầu vồng”
>> Kỳ 4: Vụ thảm sát tại Quảng Trị
>> Kỳ 5: “Hãy giữ mồm giữ miệng”
 Xem video clip tại đây

Sau 30 năm, tôi vẫn còn mơ

Một cường quốc đã tiêu diệt bao nhiêu sinh mạng con người ở một đất nước vùng Đông Nam Á làm sao có thể lên lớp với phần còn lại của thế giới về thái độ, hành động dã man, tàn bạo? Những tiếng rì rầm khốn khổ từ những mảnh đời mà chúng ta đã gieo tai họa cùng những thi thể tan vữa như những làn sóng âm ỉ lan truyền khắp thế giới, chạm đến tất cả những người có liên quan. Dù thế nào đi nữa, từ lâu tôi đã thấy rằng chúng ta cần phải chuộc lỗi với những gì mà mình đã gây ra, phải trung thực với sự thật và đồng thời phải chấm dứt việc gây nên cái vòng quay chết chóc, đau khổ không ngừng đó.

Mặc dù tiếp tục thành công ở phòng mạch và văn phòng luật sư, nhưng tôi vẫn khổ sở với những cơn ác mộng triền miên về VN. Nhiều tháng, nhiều năm sau khi trở về Mỹ, giấc ngủ của tôi vẫn bị gián đoạn vì những hình ảnh hãi hùng. Qua nhiều năm, tôi đã tìm cách kể cho nhiều người biết về chuyện trẻ em bị tàn sát ở VN. Năm 1987, tôi gửi một bức thư cho Bộ Quốc phòng yêu cầu điều tra vụ việc.

Họ trả lời bằng một cuốn sách mỏng cho biết điều luật của quân đội không cho phép một việc tàn bạo với trẻ em như thế. Năm 1989, tôi viết thư cho tướng Colin Powell – chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân – và ông ta cũng chẳng thể giúp đỡ gì hơn.

Tướng Powell cho một thuộc cấp viết thư trả lời, đề nghị tôi cung cấp thêm thông tin về vụ thảm sát cho cơ quan thanh tra của binh chủng thủy quân lục chiến ở Washington D.C. Năm 1990, chính tôi lại bị phòng an ninh hải quân điều tra vì những cáo giác của mình. Năm 1991, tôi viết thư cho thượng nghị sĩ John McCain, người chuyển tiếp một báo cáo của an ninh hải quân với nội dung là không có chứng cứ về một vụ thảm sát trẻ em như tôi chứng kiến. Mỗi cơ quan chức năng có liên quan – nơi có thể biết được vụ thảm sát – đều không có hồ sơ lưu trữ về vụ việc, hoặc phủ nhận là không bao giờ có sự việc như vậy xảy ra.

Nhiều năm sau khi từ VN trở về, những ký ức và những giấc mơ thỉnh thoảng lại xen vào cuộc sống. Tôi tự hỏi phải chăng cuộc hôn nhân của tôi sẽ không tan vỡ nếu như tôi không có những cơn tỉnh giấc vào lúc nửa đêm, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, kinh hãi với những hình ảnh quằn quại đang chết dần của các em bé.

Sau 30 năm, tôi vẫn còn nằm mơ thấy mình đang nâng cánh tay rũ rượi của một cháu bé bị bắn một phát đạn ngay vào đầu, đang đọc dòng chữ rõ nét trên dải băng tay “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn”. Tôi không thể lay chuyển ký ức về một hội trường bệnh viện vấy đầy máu, về những điều kinh hoàng và về những cú sốc từ tất cả những gì mình đã chứng kiến…

“Tòa án lương tâm”

Bác sĩ Allen Hassan

Nhân dịp bản tiếng Việt của cuốn hồi ký Không thể chuộc lỗi ra mắt độc giả VN, bác sĩ người Mỹ Allen Hassan đã có lá thư gửi tới người dân VN:

“Xin chào những người dân VN,

Hôm nay tôi trở lại VN – trở lại với dân tộc mà tôi hằng yêu mến. Trong hai năm 1968-1969, tôi là bác sĩ công tác tại Quảng Trị và một số tỉnh thành khác thuộc miền Nam VN lúc bấy giờ.

Trước khi đến VN, tôi đã không biết tí gì về cái giá nhân mạng phải trả cho cuộc chiến. Là một binh sĩ thủy quân lục chiến trẻ vừa mới rời ghế nhà trường, tôi vô cùng tự hào khi được phục vụ đất nước vĩ đại của mình với những lý tưởng tốt đẹp nhất.

Tôi đã không hiểu về hậu quả kinh hoàng của chiến tranh cho đến khi tôi cùng những đồng nghiệp y tá người Việt vật lộn với tử thần, nỗ lực giành lại sự sống cho phụ nữ, trẻ em và những người già tại VN. Tôi luôn bị ám ảnh trong đầu mình hình ảnh những nạn nhân vô tội này, chết có, bị thương có, những người đã mất mát và bị hủy hoại cuộc đời mình trong chiến tranh. Đây chính là cái giá quá đắt và không thể nào chịu đựng được.

Mặc dù đã trông thấy khá nhiều cảnh bi thảm ở đất nước này, nhưng tôi thật sự may mắn khi được đến VN. Và số tôi thật sự may mắn khi được biến cải cuộc đời mình từ một tay được đào tạo bắn giết, một lính thủy quân lục chiến trẻ, trở thành một người theo chủ nghĩa nhân văn và hòa bình – một người được tiếng Việt gọi là “bác sĩ”. Và số tôi cũng thật may mắn khi có thể biến cải cuộc đời mình để nuôi dưỡng và phát triển một triết lý vốn đã ăn sâu vào tâm khảm – triết lý chống lại tất cả các cuộc chiến hung bạo. Chính vì những gì tôi đã chứng kiến tại đây, tại đất nước VN này, mà tôi đã trở thành một người yêu chuộng hòa bình.

Chúng ta đã thiết lập một tòa án công lý quốc tế nhưng ít khi sử dụng. Chúng ta phải sử dụng tòa án của lương tâm.

Như tôi đã viết trong cuốn sách này – Không thể chuộc lỗi – việc cần kíp và quan trọng nhất đối với sự sinh tồn của chúng ta trong thế giới đang biến đổi này chính là việc chúng ta nên chú ý, quan tâm đến những người nghèo khổ, những người bị tước quyền công dân và những người đang chết đói ở tất cả những quốc gia trên khắp thế giới này. Nếu hàng xóm đang chết đói, chính tất cả chúng ta về mặt nào đó cũng đang chết đói theo. Chúng ta phải tìm cách để giúp đỡ lẫn nhau.

Chỉ ở tuổi 32, người ái quốc vĩ đại của nước Mỹ là Thomas Jefferson đã viết trong Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Tôi tin rằng nguyện ước của Thomas Jefferson là tất cả mọi người trên thế giới ai sinh ra cũng đều có quyền bình đẳng. Bình đẳng có nghĩa là tôn trọng nền văn hóa và những thành tựu của các nước và các nền văn minh khác. Bình đẳng nghĩa là chúng ta cam kết không còn gây chiến với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Và bình đẳng có nghĩa là khi một nước lớn áp đặt quan điểm của mình lên một nước khác, điều đó là sai.

Tôi muốn nói với các bạn, những người bạn VN thân yêu, một điều quan trọng. Các bạn đã là đồng bào của tôi ngay cả khi ở Mỹ chúng tôi gọi là cuộc chiến tranh VN. Và thật quan trọng với tôi khi tôi rũ bỏ được gánh nặng trong lòng mình để nói với các bạn một điều: “Toi rat sin loi” (viết bằng tiếng Việt nghĩa là: Tôi rất xin lỗi).

Chúng ta phải phản đối những cuộc chiến tranh tàn bạo được sử dụng như một công cụ chính trị, đồng thời kêu gọi những người khác hành động tương tự chúng ta. Nếu cùng nhau đấu tranh vì sự hài hòa, chúng ta có thể mang đến cho thế giới này sự cao quí mà người Mỹ đã luôn biết rõ.

Nhưng mãi cho đến nay, liệu đã có bao nhiêu người từ Mỹ trở lại VN để giúp xây dựng lại trường học, bệnh viện, đường sá? Thật đáng ngạc nhiên, những người này chính là một số cựu chiến binh Mỹ, những người đã chiến đấu trên mảnh đất này chống lại lực lượng mà lúc bấy giờ được gọi là Bắc Việt. Chúng ta đã chứng kiến cảnh chính những người lính mất bạn bè và đồng đội trong cuộc xung đột này trở lại VN để giúp tái thiết đất nước này.

Những cựu chiến binh người Mỹ trở lại VN không có nguồn lực của chính phủ, nhưng họ có trái tim, có tấm lòng bao la như đất Mỹ. Những cựu binh này, cả nam lẫn nữ, đều giống như tôi đã trở lại đây bởi vì trong họ đã lớn lên tình yêu với người Việt. Chính những cựu binh trở lại này đã tạo cho tôi một niềm tin với nước Mỹ. Những phẩm chất của họ hoàn toàn đi ngược lại những quyết định mang hậu quả bi thảm mà những nhà lãnh đạo chúng tôi đã gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược với những nước khác, điển hình là Iraq và VN.

Những cựu chiến binh đang trở lại này là đợt sóng đầu tiên khơi mào cho những gì mà tôi hi vọng một ngày nào đó sẽ trở thành một kế hoạch giúp đỡ với VN.

Xin phép được nói lại lần nữa, hỡi những người bạn VN đáng yêu và thân thiết của tôi: Toi rat sin loi!

Quả là một vinh dự lớn đối với tôi khi được trở lại VN.

Ngày 17-4-2007
Allen Hassan

ALLEN HASSAN (First News biên dịch)

tuoitre.vn